Thứ Hai, 22 tháng 8, 2016

Chuyện ở làng cây cảnh “quý tộc”

Nghề chơi siêu lợi nhuận
Lang thang qua những con ngõ rợp trời hoa cây cảnh, xa xa những cánh đồng lúa, rau một thời được thay thế bởi hoa, cây cảnh giá trị cao, chợt nhận ra Vân Tảo đang đổi khác từng ngày. Những mái nhà lá, vách gỗ không còn, thay vào đó là những căn hộ hiện đại, những chiếc cổng sắt chắc chắn… Một làng quê đã thay da, đổi thịt. Anh Trần Xuân Hưng, Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp Vân Tảo cho biết, 5 năm trở lại đây, ngoài hơn 50ha trồng đào, ở Vân Tảo đã hình thành nhóm ông chủ vào loại có tiếng trong vùng, chuyên trồng các loại cây cảnh từ bình dân tới cao cấp. Có những cây có giá vài tỷ đồng.

Đến thăm vườn gia đình ông Nguyễn Văn Khiết, được nghe ông giới thiệu về cây  cảnh của mình. Để có được bộ sưu tập, ông Khiết đã lặn lội Bắc-Nam, lên rừng xuống bể lùng sục tìm kiếm. "Cứ nghe tin ở đâu có cây đẹp là tôi với ông bạn chí cốt lại đi. Nhiều chuyến đi cả tuần nhưng về tay trắng. Thấy cây đẹp, ưng ý rồi, nhưng thuyết phục để người ta bán cho mình mới là điều cực kỳ khó" - ông Khiết kể - "Tôi phải trình bày cho họ thấy mình là người chơi cây thực sự, đam mê thực sự, chứ không phải thương lái. Nhiều chủ cây nói với tôi, rằng họ không bao giờ bán cho thương lái". Xác định giá trị cây cảnh căn cứ vào độ tuổi và tính nghệ thuật. Cây có độ tuổi càng cao thì càng đắt. Với những cây độc nhất vô nhị thì thậm chí nhiều khi không thể định giá. Mỗi cây là cả một câu chuyện dài về "thân phận" của nó cũng như cái "duyên số" giữa người và cây. Câu chuyện về những cây cảnh bạc tỷ thường là "dây cà ra dây muống", rất dài dòng và vô cùng thú vị. Có vui, buồn, sung sướng, hạnh phúc, đau khổ...

Trồng đào kết hợp trồng rau ở thôn Nội Thôn, xã Vân Tảo
 

Nhiều người coi chơi cây là một nghề, phải học hỏi, phải có vốn, phải trả giá... bởi lợi nhuận hợp pháp mang lại từ cây không gì sánh được.  Một cây mua 15 - 20 triệu đồng, sau 1 năm có thể bán tới 70 - 80 triệu đồng. Nông dân không có vốn, có thể xin hạt về ươm, chăm. Sau 5 năm, mỗi cây đã có thể cho tiền triệu. Tiềm năng của cây cảnh rất lớn. Ông Khiết khẳng định với tôi rằng, khi ta tâm huyết với cây và chăm bón, tỉa tót cây đến độ tinh túy, cây như hiểu ý người. Do yêu cây, coi cây như thân thể mình, nên khi tỉa một cành lá cũng phải suy nghĩ. Chính vì triết lý chơi cây cảnh nghệ thuật đạt đến "chân - thiện - mỹ" như vậy, nên ở nước ta đã xuất hiện những "siêu cây cảnh" được định giá lên đến cả triệu đô la Mỹ.

Ở khắp nơi, hằng ngày vẫn có hàng nghìn người lùng sục mua cây, vì cả lòng đam mê lẫn lợi nhuận.

Những ngôi biệt thự bạc tỷ

Về xã Vân Tảo đúng vào những ngày cuối xuân, chúng tôi như lạc vào một phố huyện bởi đâu đâu cũng thấy hoa, cây cảnh rực rỡ sắc màu. Nhưng có lẽ ấn tượng nhất chính là những ngôi biệt thự được xây kiên cố, khang trang mà chủ nhân của nó chính là những nông dân khốn khó thuở nào. Việc du nhập nghề mới (trồng hoa, cây cảnh) và quá trình mở rộng nghề đã giúp Vân Tảo có được diện mạo như hôm nay. Nhìn ngôi biệt thự ba tầng bề thế với đầy đủ tiện nghi, anh Nguyễn Tuân, chủ nhân ngôi nhà được xây từ tiền bán cây cảnh, cười nói: "Nếu các anh viết về những ngôi nhà của xã tôi, có đi vài ngày cũng không hết". Trước đây, người dân xã Vân Tảo chỉ độc canh cây lúa, vất vả quanh năm nhưng vẫn thiếu, đói. Kể từ khi UBND huyện Thường Tín có chủ trương chuyển đổi diện tích trồng lúa và một phần đất chiêm trũng, hoang hóa sang trồng và kinh doanh các loại cây cảnh, hoa… cuộc sống của bà con được cải thiện đáng kể. Để nghề phát triển bền vững, xã cũng tăng cường công tác đào tạo, mở các lớp tập huấn để nâng cao tay nghề cho nông dân. 

Chủ nhiệm HTX Trần Xuân Hưng cho biết "Hiện Vân Tảo có tới 80% diện tích đất lúa đã được chuyển sang trồng hoa và cây cảnh. Phải thừa nhận nghề này đã thực sự làm thay đổi đời sống, bộ mặt nông thôn nơi đây. Những ngôi nhà khang trang với tiện nghi sinh hoạt đắt tiền xuất hiện ngày càng nhiều, xã không còn hộ nghèo, thu nhập bình quân 18 triệu đồng/người/năm". Kinh tế phát triển, đói nghèo lùi xa, giờ đây Vân Tảo như một điểm sáng về tinh thần vượt khó, nhiều gia đình phấn khởi đầu tư cho con em ăn học. Nếp sống văn hóa đã ăn sâu vào từng gia đình, ý thức giữ gìn, bảo vệ môi trường cũng đã trở thành thói quen của mỗi người dân. Diện mạo nông thôn mới đã hình thành...

Bạch Thanh
(Báo Hà Nội Mới)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét